Địa thế và kiến trúc Chùa Dạm

Địa thế

Vùng đất Nam Sơn có dãy núi Dạm, tên chữ là Đại Lãm Sơn, đột khởi, nổi giữa những cánh đồng, ao hồ, sông, ngòi, bờ bãi là một bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ. Các làng mạc nằm quanh chân núi Dạm được gọi là các "làng Dạm" gồm: Triều Thôn, Sơn Trung,Tự Thôn, Môn Tự Thái Bảo.

Kiến trúc

Hệ thống nền bó bằng những tảng đá lớn cho thấy quy mô to lớn của chùa xưa

So sánh bề thế giữa chùa Dạm và chùa Phật Tích người ta cho rằng chùa Dạm to lớn hơn nhiều, bởi chùa Dạm được xây sau, và đã học hỏi kinh nghiệm từ chùa Phật Tích. Chùa chiếm diện tích trên hai mẫu Bắc Bộ (khoảng 7.200 m2), với bốn cấp cao dần kéo một trục dài 120 m bám theo triền dốc của núi Dạm, chiều rộng mặt nền 70 mét.

Các cấp nền chùa đều có xếp đá chống xói lở, chân hơi choãi, chếch khoảng 70 độ và cao 5–6 m, đường xuống mỗi cấp của chùa gồm 25 bậc đá. Đá xếp đều khai thác tại chỗ, đẽo gọt vuông vắn như viên gạch dài rộng chừng 50 cm - 60 cm. Nối các tầng nền với nhau là các bậc thềm lát đá. Trên các tầng nền có gạch ngói thời Lý, hoa văn hình rồng, phượng, sen dây, cúc dây. Những chân cột bằng đá 0,75 m x 0,75 m chạm nổi những cánh sen rất nghệ thuật.

Lên cấp nền đầu tiên mà dân địa phương gọi la Bãi Hội, khách đi bằng một lối cửa, tầng bậc cao, cả khoang bậc rộng 16 m.

Lên lớp nền thứ hai có ba lối hẹp hơn, tầng bậc thấp hơn. Lên lớp nền thứ ba và thứ tư đều chỉ có hai lối hẹp. Kè đá ở cấp nền thứ hai là nền chùa chính. Trên đá xây có chạm hoa văn sóng nước, nét hoa văn to nổi khối, do chạm sâu. Trên nền tầng này, ở khoảng giữa ba lối cửa, bên phải chùa có khu đất vuông, cạnh 7 m, cao 2 m, kè đá chạm văn sóng nước thời Lý.

Cột đá Chùa DạmDấu tích chân tháp nằm ở phía đối diện với cột đá

Trên nền thứ hai khu đất này có dựng một tấm bia trên lưng rùa. Thân bia cao 1,5 m, rộng 1 m. Cả mặt bia đều mòn mờ, chỉ còn đọc được hai chữ "信施, tín thí" to, sâu ở mặt hậu. Diềm bia có hoa văn dây leo có lẽ được khắc sau này, quãng thế kỷ 16. Đối diện với khu đất vuông này qua lối cửa giữa, bên trái cũng có một khu đất nổi, nhưng hình tròn đường kính khoảng 4,5 m, cao 1 m, cũng kè đá chạm hoa văn sóng nước Lý.

Phần trên khu đất tròn này, dựng một cột đá lớn nguyên khối, không kể phần chôn sâu chìm, tất cả cao gần 5 m. Cấu trúc cột làm hai thớt khối, cũng lấy tượng hình vuông tròn trời đất. Khối gốc như hộp vuông tiết diện, cạnh 1,4 m và 1,6 m. Khối hình trụ đặt ở trên khối vuông, đường kính khoảng 1,3 m. Đoạn dưới phần trụ tròn này chạm nổi đôi rồng phong cách thời Lý đầu vươn cao chầu vào viên ngọc tỏa sáng, thân quấn quanh cột, đuôi ngoắc vào nhau. Hình dáng rồng giống dạng rồng rắn thời Lý với mào bốc lửa, bờm thành búi như cờ đuôi nheo bay lướt, thân tròn lẳn uốn khúc thoăn thoắt, chân chim năm móng. Đôi rồng nổi bật giữa các hoa văn phụ hình hoa dây móc, tinh xảo. Thân rồng to, mập uốn khúc quanh cột. Hai chân phía trước của rồng có móng sắc, nhọn, giơ cao nâng viên ngọc dưới cằm.

Cột đá chùa Dạm là những kiến trúc hết sức đặc sắc, tầm vóc hoành tráng, nhìn xa đã bị thu hút, nhìn gần càng đẹp. Có nhà nghiên cứu cho rằng những cột đá này là biểu tượng sinh thực khí LingaYoni đã được Việt hóa. Cột mang mơ ước mưa thuận gió hòa, đời sống ấm no thịnh trị.

Nền thứ hai này còn có giếng Bống, truyền kể cô Tấm trong truyện cổ dân gian Tấm Cám nuôi cá bống ở giếng này.[3]

Nền thứ ba và bốn có dấu tích chùa và đền thờ cô Tấm và Nguyên phi Ỷ Lan. Ở đây còn tấm bia đá nhỏ, khắc năm Chính Hòa thứ 17 thời Lê (1696) cao 0,65 m, rộng 1,4 m. Bia "Đại Lãm Thần Quang tự tân tạo Hộ pháp" cho biết trước đây chùa chưa có Hộ pháp và hàng nghìn người làm việc phúc đã tu bổ chùa, dựng thêm tượng.

Ngoài ra, ở di tích chùa Dạm còn tìm được phần đầu tượng đá Kim Cương. Các chân đế cột bằng đá cỡ lớn chạm khắc hoa văn đẹp của công trình thời Lý còn sót lại và nhiều mảnh đất nung hình con vịt, con rồng, hoa lá...

Liên quan